Khi muốn mua đất nền dự án để đầu cơ hoặc xây dựng nhà ở, có rất nhiều vấn đề mà bạn cần lưu ý để không bị “mắc bẫy” hoặc gặp phải những phiền hà về sau do thiếu hiểu biết, từ việc xem xét giấy tờ, vị trí đất trong giấy tờ và thực tế.
Tìm hiểu chủ đầu tư
Hiện có khá nhiều dự án đất nền được quảng cáo rầm rộ với mức giá rẻ. Tuy nhiên theo các chuyên gia bất động sản cũng như thiết kế xây dựng, khi giá thành của một khu đất nền nào đó rẻ hơn so với mặt bằng chung của khu vực thì bạn nên tính toán đến độ khả thi và khả năng hoàn thiện dự án, đó chính là vấn đề về khả năng của chủ đầu tư. Tốt nhất nên chọn những chủ đầu tư, công ty xây dựng đã từng thi công những dự án chất lượng,uy tín.
Giao dịch với giấy tờ rõ ràng
Theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) bắt đầu từ 01/01/2007 mọi giao dịch kinh doanh BĐS đều phải thông qua sàn, tuy nhiên cho đến nay trong chính sách quản lý thị trường bất động sản của các cơ quan ban ngành liên quan vẫn chưa có một quy định hay thông tư chính thức nào về việc xem xét thế nào là một sàn giao dịch chuẩn, vì vậy dễ nảy sinh hiện tượng bát nháo các sàn.
Người mua đất nền thực hiện quy trình giao dịch do nhân viên kinh doanh của sàn phân phối dự án hoặc cá nhân môi giới chỉ dẫn, để giao dịch được rõ ràng, khi bắt tay vào giao dịch, người mua cần chủ động đưa ra các yêu cầu trình những giấy tờ cần thiết chứng minh về vị trí dự án, giá trị lô đất, năng lực chủ đầu tư, giấy ủy quyền môi giới về việc ký kết hợp đồng, đồ án quy hoạch, thiết kế xây dựng dự án tương lai, thủ tục pháp lý, …
Không nên mua đất sổ chung
Không nên mua đất sổ chung vì nếu sau này có tranh chấp xảy ra thì vô cùng phiền hà và gần như không giải quyết triệt để được: tách sổ không được do không đủ diện tích chia nhỏ theo luật quy đinh, đôi khi có người chịu thỏa thuận, có người không, thậm chí mua đất sổ chung không thể xác định được vị trí đất các nền đất ấy ( thực tế có trường hợp này, mua bán 5% đất và không biết nền nào).
Hồ sơ pháp lý
Ngoài sự uy tín của chủ đầu tư thì bạn cũng nên quan tâm đến tính pháp lý của mảnh đất. Nên kiểm tra xem lô đất đó đã có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền và đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cùng những thủ tục giấy tờ khác hay chưa?
Trình tự nộp tiền
Để mua được đất giá gốc, rẻ thì không nên thông qua khâu trung gian mà mua trực tiếp từ chủ đầu tư mặc dù sẽ phải chờ khá lâu (2 – 3 năm). Trong trường hợp chọn mua thông qua các nhà “cò” thì nên chú ý mức giá “cò mồi” đưa ra so với giá thực tế tại cùng thời điểm, kiểm tra kỹ giấy tờ liên quan xem có hợp pháp, chính xác không và cần đề nghị được xem bản thiết kế gốc.
Khi mua đất nền giá rẻ hoặc mua theo hình thức trả góp thì bạn sẽ phải thông qua rất nhiều bước khá phức tạp, rất dễ sơ suất nên tốt nhất cần nhờ sự tư vấn của các luật sư, chuyên gia. Nếu gặp rủi ro là thi công chậm so với thời gian cam kết trong hợp đồng thì cũng rất khó để khởi kiện vì rất mất thời gian và có những chủ đầu tư chấp nhận bồi thường thay vì thực hiện đúng tiến độ.
Hợp đồng
Hợp đồng chính là cơ sở để kiện ra tòa nếu một trong hai bên có hành vi vi phạm. Chính vì vậy mà nội dung hợp đồng phải được ghi rõ ràng, đầy đủ các thông tin cần thiết: phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán, thời hạn giao đất, đặc biệt là các điều khoản phạt như mức đền bù thiệt hại nếu chủ đầu tư vi phạm tiến độ, quy hoạch thay đổi, người mua trễ hạn nộp phí thì giải quyết thế nào, …
Chọn mua đất
Mua đất không thể quyết định nóng vội được. Bạn cần thời gian để nghiên cứu tổng thể thị trường cũng như chọn lựa những vị trí cụ thể. Bạn cũng nên dành thời gian nghiên cứu các công ty tư vấn trên thị trường – những tư vấn đúng đắn của các chuyên gia sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Đầu tư thời gian cho những nghiên cứu, tìm hiểu sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều rắc rối sau này cũng như những sai lầm khiên bạn tốn kém những khoản không cần thiết.
Khi mua đất nên lưu ý:
– Diện tích:
Chiều rộng (thường gọi là mặt tiền), chiều dài: (hay chiều sâu) cần có một tương quan tỷ lệ (thích hợp nhất là cạnh rộng bằng 2/3 cạnh dài sẽ dễ bố trí được ngôi nhà đẹp).
Trong phong thuỷ, người ta cũng quan trọng về hình thế đất. Khu đất phải nằm ở vị trí đẹp, bằng phẳng, phía tả là thanh long, hữu là bạch hổ, lưng phải “tựa sơn”, mặt phải “hướng thuỷ”. Đất phải nở hậu (chiều rộng đất phía sau to hơn phía trước). Phía trước mặt không nên có cột điện, cây, hay con đường cắm thẳng vào khu đất, cũng không tốt. Các quy định này thực tế khá phong phú, nên cần có một chuyên gia đến xem và hướng dẫn cụ thể mới có thể lựa chọn chính xác được.
– Môi trường:
Chung quanh trước đó là gì, nếu là đất trước đó làm nhà tù, bãi rác hay nghĩa trang thì nên tránh. Còn nếu là đất mới khai khẩn, đất ruộng hay nông trại thì tốt.
Khu đất nên ở trong khu vực có dân trí cao, điện nước đầy đủ, đường rộng hè thoáng, ô-tô có thể vào được … Và yếu tố quan trọng nhất là giá đất phải hợp lý.
Lô đất không nên chọn: Đối diện với ngã ba đường, lô đất ở góc đường vì sẽ mất Thanh long hay Bạch hổ (theo trường phái Loan đầu), lô đất có hình cánh cung như luỡi dao hướng vào nhà (thường gặp khi đường cong hay trong đường cùng)
– Hướng:
Trong việc chọn hướng, quan niệm chọn theo tuổi của người chủ gua đình chưa hẳn đã quan trọng bằng tránh các hướng xấu theo quy luật khoa học và môi trường. Một mảnh đất dẫu theo “thầy địa lý” là cực kỳ phát đạt, ăn nên làm ra nhưng cửa chính mở thẳng về hướng tây, hứng chịu toàn bộ ánh nắng mặt trời gay gắt buổi chiều, thì chủ nhà phải chịu đựng sự ngột ngạt, nóng bức trước tiên! Còn nếu thực hiện theo lời dặn của ông bà ta “ lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” thì khỏi phải nói rồi, vì hướng nam hay đông nam là hướng khí hậu ôn hòa, gió lành, lý tưởng bậc nhất cho các căn nhà ở nước ta.
Xem thêm: Những thủ tục pháp lý về SHOUPHOUSE nhà đầu tư cần quan tâm