Cựu chủ tịch LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng, đã đưa ra dự báo này tại tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” diễn ra hôm nay (5/1).
Theo ông Hưởng, chứng khoán và bất động sản là hai kênh đầu tư đang “lên ngôi”, đặc biệt từ thời điểm cuối năm 2020. Cụ thể, VN-Index đã vượt ngưỡng 1.100 điểm còn bất động sản đang dần phục hồi và trong đà tăng giá.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
Cho rằng chứng khoán đang tạm thời thắng thế so với bất động sản, nhưng ông Hưởng nhận định năm nay (2021), ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn, do đó “ai nắm chứng khoán ngân hàng thì sau Tết Nguyên đán nên bán ngay đi. Sau quý I/2021, chứng khoán sẽ đi xuống, bất động sản lên ngôi”, ông Hưởng nêu quan điểm.
“Nếu anh chị mua đất, giá có hạ thấp thế nào thì nó vẫn là đất. Người đẻ ra thì đất lại lên giá. Còn chứng khoán, đã bong bóng rồi thì chỉ còn giấy thôi”, ông Hưởng nói và bồi thêm, “Trong giai đoạn này, ai vay được ngân hàng thì nên vay luôn đi, vay mua nhà, mua đất, bởi không bao giờ lãi suất cho vay thấp hơn nữa”.
Ông Hưởng tin rằng bất động sản sẽ thắng thế trong cuộc đua sinh lời với chứng khoán và khuyến nghị 3 phân khúc đầu tư.
Một là bất động sản vùng ven Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh ngoại thành bởi “ngủ rất lâu rồi nên bật dậy sẽ rất nhanh”. Hai là đất Long Thành, Đồng Nai, quận 9, Thủ Đức và những nơi được định danh là “đặc khu”.
Ba là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, đất chia lô. “Phân khúc nhà cao cấp đang thừa nhưng nhà giá rẻ, nhà vừa túi tiền thì ngược lại, điều kiện xây dựng rất đơn giản và bán rất nhanh”, ông Hưởng nói.
Cựu chủ tịch LienVietPostBank cũng cho rằng hậu Covid-19, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi, ở cả vùng biển và vùng núi. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp dù rất nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng chịu rủi ro từ vấn đề chính trị, kinh tế trong và ngoài nước.
Bám sát chính sách
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, lưu ý, một điều rủi ro cần cân nhắc là về tài chính. Năm 2020, chứng khoán và bất động sản có vẻ khởi sắc, nhưng cũng là lúc người ta nói đến “bom nợ”, sự khéo léo của nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ và ổn định nền kinh tế.
Các nhà đầu tư nên bám sát các chính sách vĩ mô của nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. 2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang sự ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, khi một tổng thống mới đắc cử.
GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, cũng cho rằng, năm 2021 câu chuyện sửa Luật để lấp đầy khoảng trống và tan biến các quy định chồng chéo là câu chuyện quan trọng nhất cần làm. Cơ hội rất nhiều nhưng rủi ro pháp lý vẫn luôn hiện diện. Rủi ro từ yếu tố khách quan khó chế ngự, nhưng rủi ro ở yếu tố chủ quan có thể điều chỉnh song vẫn bị vướng víu mãi.
Lạc quan về thị trường nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), lưu ý rằng: “Cơ hội cho thị trường BĐS 2021 là rất lớn, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý phòng tránh rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp”.
Theo vietnamfinance
>>> Xem thêm: Sản phẩm Waterpoint Nam Long hút khách trong Covid-19