Bên cạnh vấn đề tài chính, người mua bán nhà đất cần chuẩn bị sẵn chứng minh nhân dân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ khẩu, hợp đồng lao động, bảng lương… để thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh chóng. Theo ghi nhận, để các thủ tục pháp lý diễn ra một cách thuận lợi, người mua nhà nên chú ý chuẩn bị 2 nhóm giấy tờ gồm: nhóm bắt buộc phải có và nhóm còn lại có thể cần đến.
Nhóm giấy tờ bắt buộc phải có
1. Chứng minh nhân dân, bản chính và bản sao.
2. Hộ khẩu, bản chính và bản sao.
3. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn) và Giấy đăng ký kết hôn (nếu đã kết hôn).
4. Đối với người nước ngoài muốn sở hữu căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ trong dự án nhà ở thương mại thì cần hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam (không thuộc các trường hợp ưu đãi, miễn trừ về ngoại giao).
5. Trường hợp muốn đứng tên chung sổ đỏ, người đứng tên chung cũng cần chuẩn bị sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và phải cùng người mua ký kết vào hợp đồng mua bán chuyển nhượng BĐS tại phòng công chứng.
Ngoài ra, đối với thủ tục giao dịch bất động sản là chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì bên nhận chuyển nhượng nộp một bộ hồ sơ gồm có:
a) Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất.
b) Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về Quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai (nếu có).
Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất quy định tại điểm a nêu trên phải được lập thành văn bản và có chứng nhận của phòng công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Nhóm giấy tờ có thể cần đến
6. Nếu người mua nhà cần thế chấp để vay ngân hàng với mục đích mua BĐS, cần phải chuẩn bị khá nhiều các loại giấy tờ gồm: Đơn vay thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, bản sao chứng minh nhân dân, bản sao giấy xác nhận độc thân hoặc giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu hoặc KT3 (sổ tạm trú). Chuẩn bị hợp đồng mua bán nhà ở đã công chứng, thông báo trước bạ, sổ hồng, bản vẽ hiện trạng nhà đất. Cần các loại giấy tờ chứng minh thu nhập thông qua hợp đồng cho thuê nhà hoặc hợp đồng lao động hoặc sao kê tài khoản chuyển lương qua ngân hàng…
7. Nếu người mua nhà cần vay tín chấp (vay không thế chấp) ở ngân hàng thì người mua cần chuẩn bị: Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc KT3, hồ sơ chứng minh công việc (hợp đồng lao động, bảng sao kê lương…), giấy xin vay tín chấp.
8. Khi hoàn tất hợp đồng công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, bên mua phải đến Chi cục thuế cấp huyện để làm tờ khai và nộp lệ phí trước bạ. Theo đó, lệ phí trước bạ được tính là 0,5% giá trị của lô đất. Còn người mua vẫn phải mang theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giấy đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, người mua nhà nên sao y những giấy tờ cần thiết thành nhiều bản để thuận tiện hơn cho các bước thủ tục hành chính. Khi đóng các loại lệ phí, người mua cũng nên giữ lại biên lai phòng trường hợp cần thiết. Khi đặt cọc, nên lập thành văn bản và người mua có thể yêu cầu công chứng hợp đồng đặt cọc nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Trình tự và thủ tục mua bán nhà bao gồm 5 bước sau:
- Bước 1: Các bên mua bán đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và giấy tờ tùy thân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.
- Bước 2: Một trong hai bên nộp hồ sơ mua bán tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức). Trường hợp bán một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải kèm theo bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.
- Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).
- Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.
- Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Như vậy khi hai bên ra phòng công chứng ký tên, lăn tay thì Quyền sử dụng đất đó vẫn chưa thuộc về bạn, vì đối với tài sản là bất động sản thì việc chuyển quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu (khoản 1 Điều 168 BLDS).
Việc thanh toán tiền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.
Nếu hai bên thỏa thuận bạn phải trả hết tiền và tự làm thủ tục còn lại thì lúc này bạn phải thực hiện nghĩa vụ thuế gồm lệ phí trước bạ (đây là loại phí mà theo quy định của pháp luật bên mua phải chịu), và thuế thu nhập cá nhân (đây là loại thuế mà theo quy định của pháp luật bên bán chịu).
Thông tin liên hệ tư vấn:
- Hotline: 093.300.2020 (Phone, Viber, Zalo, iMessage, Wechat, Whatsapp)
- Website: https://waterpointnamlong.com.vn