CafeLand – Kết thúc quý II/2021, khối lượng đầu tư bất động sản toàn cầu đã tăng 98% so với cùng kỳ, đạt mức 260,4 tỷ USD, theo CBRE.
Sự phục hồi mạnh mẽ ở cả châu Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương đã giúp thị trường bất động sản phục hồi. Trong khi đó, khu vực châu Âu tuy có sụt giảm đôi chút nhưng nhìn chung triển vọng vẫn tích cực do tỷ lệ tiêm chủng đang tăng.
Dòng vốn chủ yếu chảy vào các tài sản công nghiệp và nhà đất, trong khi các nhà đầu tư văn phòng vẫn tập trung vào phần tài sản cốt lõi. Các nhà đầu tư ưa chuộng những thị trường có dân số tăng mạnh, bao gồm một số thành phố ở Mỹ, các trung tâm đô thị ở Đức và Bắc Âu cũng như các thành phố lớn ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng khối lượng đầu tư toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 459 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực văn phòng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là công nghiệp với 22% và nhà đất ở mức 20%, phản ánh xu hướng của người tiêu dùng.
Châu Mỹ
Trong quý II, khối lượng đầu tư vào châu Mỹ tăng 161% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 136,5 tỷ USD. Sản lượng quý II tốt hơn dự kiến dẫn đến sản lượng 6 tháng đầu năm nay tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng đầu tư được phân bổ đều ở các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp và nhà đất chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư ở châu Mỹ, tăng lần lượt 127% và 217% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lĩnh vực khách sạn cũng chứng kiến quý II sôi động nhất kể từ năm 2007. Thương vụ mua Extended Stay America trị giá 6 tỷ USD của Blackstone và Starwood chiếm 44% tổng lượng giao dịch trong lĩnh vực khách sạn quý II.
Các nhà đầu tư văn phòng và bán lẻ vẫn tập trung vào tài sản cốt lõi. Thị phần của phân khúc văn phòng và bán lẻ tại châu Mỹ trong quý II lần lượt là 18% và 10%. Với cả hai lĩnh vực, các tài sản ở vị trí ngoại ô hoạt động hiệu quả hơn so với trung tâm các thành phố lớn.
Thị trường Sun Belt tiếp tục là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư. Ngoài ra, khi so sánh khối lượng đầu tư quý II/2021 với quý II/2019, một số thị trường khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt như Orlando (tăng 83%), Nashville (tăng 73%), Raleigh (tăng 63%) và Miami (tăng 45%). Điều ngược lại xảy ra với một số thành phố lớn như New York (giảm 41%) và Boston (giảm 28%).
Châu Âu
Khối lượng đầu tư vào thị trường bất động sản châu Âu trong quý II tăng 42% so với cùng kỳ, ghi nhận mức 83 tỷ USD. Tính trong 6 tháng đầu năm, khối lượng đầu tư giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, triển vọng đầu tư sẽ tăng lên trong nửa còn lại của năm nay khi các quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19
Vương quốc Anh (tăng 39%), Na Uy (tăng 38%) và Đan Mạch (tăng 55%) là những thị trường hoạt động hiệu quả nhất trong khu vực. Trong khi đó, Đức vẫn duy trì vị trí số 1 với sự phát triển của thị trường Berlin.
Sự gia tăng dân số đóng một vai trò quan trọng trong khả năng phục hồi của các thị trường châu Âu. Các quốc gia thuộc Bắc Âu và Vương quốc Anh có mức tăng dân số cao hơn. Điều này lý giải việc London và Copenhagen là những điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư toàn cầu.
Vốn đầu tư vào lĩnh vực văn phòng chiếm tỷ trọng 30%, giảm so với mức 40% thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong quý II tăng hơn gấp đôi so với quý II/2019, chứng minh sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử.
Đầu tư vào lĩnh vực nhà đất cũng tăng nhẹ so với quý II/2019. Trong khi đó, bán lẻ (giảm 27%) và khách sạn (giảm 34%) tiếp tục chứng kiến sự ảm đạm trong kỳ. Các biến thể mới của Covid-19 có thể đã ảnh hưởng đến tâm lý của những nhà đầu tư và khiến họ không chắc chắn về các kế hoạch.
Châu Á – Thái Bình Dương (APAC)
Khối lượng đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực APAC trong quý II tăng 99% so với cùng kỳ, đạt 41 tỷ USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, khối lượng đầu tư đạt mức 69 tỷ USD, tăng 51% so với nửa đầu năm 2020.
Tỷ lệ tiêm chủng tăng đều trong khu vực và các hoạt động đầu tư phần lớn trở lại bình thường. Nếu không có bất kỳ một đợt bùng phát mạnh nào của Covid-19 trong phần còn lại, năm 2021 có thể chứng kiến những mốc kỷ lục mới đối với thị trường bất động sản khu vực APAC.
Các thương vụ giao dịch có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên chiếm 25% tổng khối lượng đầu tư của khu vực. Ngoài ra, giao dịch xuyên biên giới tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết các thị trường chính trong khu vực đều chứng kiến sự gia tăng về khối lượng đầu tư, ví dụ như Trung Quốc (tăng 117%), Úc (tăng 196%), Hong Kong (tăng 270%) và Hàn Quốc (tăng 69%). Đặc biệt, Ấn Độ, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 cũng chứng kiến mức tăng 354% trong quý II.
Các thành phố ở khu vực APAC được các nhà đầu tư bất động sản toàn cầu quan tâm nhất trong quý II có thể kể đến như Seoul, Bắc Kinh hay Melbourne.
Khối lượng đầu tư vào phân khúc bán lẻ chiếm tỷ trọng 31%, tăng cao so với những năm trước. Trong khi đó, các giao dịch văn phòng giá trị lớn chủ yếu diễn ra tại Trung Quốc và Úc.
Phân khúc công nghiệp được quan tâm nhiều nhất trong quý II, với tổng khối lượng đầu tư là 10,6 tỷ USD, một kỷ lục mới.
Dự báo về xu hướng trong tương lai
Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm, CBRE dự báo khối lượng đầu tư bất động sản toàn cầu sẽ tăng khoảng 20% đến 25% trong năm 2021. Đại dịch Covid-19 có thể gây ra một số trở ngại, nhưng các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những giải pháp khác nhằm hạn chế thiệt hại.
>> Xem thêm: Nhiều dự án bất động sản ra mắt thị trường
Nguồn: CafeLand